Singapore, Thái Lan và các nước trong khu vực rót bao nhiêu vốn FDI vào Việt Nam?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 đạt trên 11,71 tỷ USD, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, dòng vốn FDI đến từ các quốc gia Đông Nam Á đổ vào Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỷ USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 6,8 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành thông tin truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 398 triệu USD và gần 374,8 triệu USD.

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,6%, 25,6% và 17,5% tổng số dự án.

Tính đến 20/5, đã có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 43,8% so với cùng kỳ 2021.

Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 2,06 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư.

Trong các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore, các quốc gia khác cũng đã đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, các quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam là Thái Lan, Malaysia, Brunei, Campuchia, Philippines và Indonesia.

Trong đó, Singapore dẫn đầu trong các quốc gia ở Đông Nam Á đầu tư vào Việt Nam. Theo sau là Thái Lan với tổng vốn đầu tư đạt 168 triệu USD. Xếp ở vị trí thứ 3 là Malaysia với 137 triệu USD đầu tư vào Việt Nam.

Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chiếm gần 38% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản với 190 dự án, chiếm 26,7%; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện với 42 dự án, chiếm 17,5% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Còn lại là những ngành khác.

Tổng vốn FDI của các nước trong khu vực đầu tư vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 (triệu USD). Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Vào tháng 3/2022, Tập đoàn Sembcorp Industries (Singapore) đã triển khai dự án Khu công nghiệp VSIP III tại tỉnh Bình Dương, dự án có tổng diện tích 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng. Nâng tổng số dự án KCN mà tập đoàn này đã thực hiện tại 7 tỉnh, thành Việt Nam lên tới con số 11.

Các dự án FDI của Thái Lan đầu tư vào Việt Nam đa số có quy mô nhỏ, có tới 498 dự án có quy mô dưới 10 triệu USD, chiếm tới 77,2% tổng số dự án đầu tư.

Lĩnh vực thu hút nhiều dự án FDI của Thái Lan là công nghiệp chế biến, chế tạo với 242 dự án, chiếm 37,5% số dự án và 75,2% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Thái Lan đã đầu tư tại 48/63 tỉnh thành phố của Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cùng với đó, các dự án đầu tư của Malaysia tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 241 dự án, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực lĩnh vực sản xuất điện với 6 dự án chiếm 20,5%. Còn lại là những ngành khác.

Malaysia hiện đã có đầu tư tại 33/63 tỉnh thành phố của Việt Nam (trong đó có khu vực dầu khí). Một số tỉnh, thành mà Malaysia đã đầu tư vào là TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đối với Brunei, Campuchia, Philippines và Indonesia, các dự án của các quốc gia này đầu tư vào Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ.

TQ