Theo Luật Đất đai 2024, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (hay còn gọi là không trực tiếp canh tác) vẫn được nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa.
Ngày 18-1, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đất đai 2024, thay thế cho Luật Đất đai 2013.
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, trừ quy định về hoạt động lấn biển; việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất và nội dung sửa đổi Luật Lâm nghiệp.
Một trong những vấn đề trọng tâm trong lần sửa đổi luật lần này đó là việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.
Nếu như hiện nay, Luật Đất đai năm 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp, thì Luật Đất đai 2024 có nhiều quy định mới hơn.
Thứ nhất, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (hay còn gọi là không trực tiếp canh tác) vẫn được nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa.
Trong đó, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp mà có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó theo quy định của Chính phủ.
Trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa vượt quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.
Thứ hai, kể từ 1-1-2025, tổ chức kinh tế cũng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp huyện chấp thuận.
Phương án sử dụng đất nông nghiệp (áp dụng với cả chủ thể là cá nhân và tổ chức kinh tế) phải có các nội dung chính: Địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất; kế hoạch sản xuất kinh doanh nông nghiệp; vốn đầu tư; thời hạn sử dụng đất; tiến độ sử dụng đất.
Liên quan đến quy định mới này, trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình.
Theo đó, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu quy định về tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp huyện chấp thuận vì sẽ sinh ra thủ tục hành chính.
Quy định như vậy sẽ không khuyến khích được tích tụ đất đai để mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ cao, quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ cao.
Từ đó, đề nghị phương án sản xuất, sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế thì để họ tự quyết định và chịu trách nhiệm, miễn là tổ chức kinh tế đó phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về sử dụng đất.
Cũng có ý kiến cho rằng việc yêu cầu cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất lúa phải thành lập tổ chức kinh tế sẽ khó khăn cho người dân trong thực hiện theo quy định; đề nghị xem xét quy định đối với cá nhân thì có phương án sử dụng đất trồng lúa là phù hợp, không bắt buộc phải thành lập tổ chức kinh tế để thuận lợi cho người dân và phù hợp với pháp luật doanh nghiệp.
Về những ý kiến trên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thể chế định hướng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về “có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp” và “mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn”, dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp so với quy định của Luật Đất đai 2013 để bảo đảm thuận lợi, linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ đất trồng lúa nên đã quy định điều kiện nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với tổ chức kinh tế phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp huyện chấp thuận mà không căn cứ vào quy mô diện tích sử dụng.
Còn đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì chỉ phải thành lập tổ chức kinh tế khi nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức, trừ trường hợp tặng cho cho người thuộc hàng thừa kế thì không phải thành lập tổ chức kinh tế.
Theo 24h